
Khi ấy, Hoa Quả Sơn chỉ có một tảng đá tiên duy nhất cao đến ba trượng sáu thước năm tấc, xung quanh rộng hai trượng bốn thước. Chiều cao ba trượng sáu thước năm tấc, hợp với vòng trời ba trăm sáu mươi lăm độ. Xung quanh hai trượng bốn thước, hợp với chính lịch hai mươi bốn khí. Trên có chín khiếu tám lỗ hợp với cửu cung bát quái. Bốn bề không có cây cối rủ bóng. Hai bên phải trái chỉ rặt cỏ chi cỏ lan quấn quýt lấy nhau. Có lẽ từ khi tảng đá mới sinh ra đã bám thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của mặt trời, mặt trăng đã lâu, nên mới linh thông thế. Bên trong tảng đá chứa đựng một bào thai tiên.
Đây là nguyên lai xuất thế của Tôn Ngộ Không mà trong sách đã kể, nhưng vẫn còn rất nhiều nghi vấn: Tảng đá được gọi là “đá tiên”, vậy ai là người đặt nó ở đấy, hay là từ khi Hoa Quả Sơn mới hình thành, nó đã tồn tại ở đó rồi? Hoặc giả nó cũng giống như tảng đá trong “Hồng Lâu Mộng”, là do Nữ Oa Nương Nương luyện đá vá trời còn sót lại? Xem ra lai lịch của Tôn Ngộ Không cũng chẳng phải tầm thường, ắt hẳn là có điều thâm sâu huyền bí, bởi ngay cả Ngọc Đế vốn là bậc Thần Tiên thấu tỏ càn khôn, nhưng lại không biết được lai lịch xuất thế của nó vậy. Nếu không, nếu chỉ với xuất thân tầm thường, làm sao Ngộ Không có thể tu thành Phật quả?
Lại bàn về tên gọi, họ “Tôn” (孙) gồm chữ “Tiểu” (小) và “Tử” (子) ghép thành, có nghĩa là hài nhi. Đạo gia giảng “Phản bổn quy chân”, Lão Tử giảng “Phục quy ư anh hài”, con người thông qua tu luyện mà quay trở về trạng thái hài nhi thuần khiết, không tà niệm, không mang bất cứ tạp niệm hậu thiên nào.
Chữ “Ngộ” (悟) trong Tôn Ngộ Không chính là nói về sự ngộ Đạo trong khi tu luyện. Chữ “Ngộ” (悟) ở đây lại là sự kết hợp của hai chữ “Ngô” (吾) nghĩa là tôi, là tự thân mình, và chữ “Tâm” (心) ý chỉ tâm tính bản thân. Ở đây ám chỉ rằng: Muốn ngộ được Phật Pháp thì chỉ có thể dựa vào cái tâm của bản thân mình mà thôi.
Lại nói, chữ “Không” (空) vốn được coi là nền tảng của người tu luyện, Phật gia giảng ‘không’, Đạo gia giảng ‘vô’. Chữ “Không” ở đây cũng là điều cao thâm vi diệu, trần gian hư ảo, tuy thật mà lại hư, tuy hư mà lại thật. Hư là bởi thành bại trong đời tất cả đều tựa khói sương, vui buồn hỉ nộ cũng là thứ sáng còn chiều mất. Dẫu mọi thứ chỉ là ảo ảnh trong đời, nhưng nếu như trong vô minh mà hành ác thì nghiệp chướng vẫn phải đền. Vậy nên chỉ có người chân tu ngộ Đạo, ngộ được cái ‘không’ của trời đất thì mới mong tìm được trí huệ, tìm được con đường để trở về Thiên giới.

Không phải ngẫu nhiên mà cả ba đệ tử của Đường Tăng đều có một chữ “Ngộ”: Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh. Qua đó có thể thấy trong tu luyện thì ngộ tính là điều vô cùng quan trọng.
Đường Tăng vốn dĩ là đệ tử thứ hai của Phật Tổ Như Lai, tên gọi là Kim Thiền Tử. Chỉ vì ngủ gật không nghe Phật Như Lai giảng thuyết, phạm tội khinh mạn Phật Pháp mà bị phạt đến Đông Thổ, trải qua 10 đời tu luyện nhưng vẫn không thành. Cuối cùng mới có được cơ duyên, được vua Đường uỷ thác đi Tây phương thỉnh kinh, công thành viên mãn, được phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật. Đường Tam Tạng là tên do hoàng đế ban cho, bởi đi lấy kinh nên lấy hiệu là ‘Tam Tạng’. Từ tên của Đường Tăng có thể biết: Tây Du chính là một tác phẩm chuyển tải thông điệp của người tu luyện, có liên quan rất mật thiết với vị hoàng đế nhà Đường – Lý Thế Dân.
Chữ “Tam tạng” ở đây, có người lý giải đó là Kinh – Luật – Luận, nhưng đối với nhiều người tu luyện thì đó chính là “Pháp – Luân – Kinh”. Đường Tăng quyết chí đi Tây phương thỉnh kinh đã từng nói với hoà thượng chùa Pháp Vân rằng: “Chuyến đi này, nhất định phải đến Tây Thiên gặp Phật cầu kinh để hồi chuyển pháp luân, nguyện thánh chủ hoàng đồ vĩnh cố”. Ở đây lại nhắc đến tên gọi Kim Thiền Tử trong tiền kiếp của Đường Tăng, quá trình tu luyện của Kim Thiền Tử cũng tựa Kim Thiền thoát xác, thoát bỏ thân phàm mà tu thành chính quả.

Sa Ngộ Tĩnh sinh thời có thế gia là con nhà võ, đương thời cũng là một nam tử hán anh hùng, chu du tứ hải mong tìm kiếm được minh sư học Đạo, cuối cùng may mắn gặp được Chân Nhân, học được pháp môn tu luyện. Sau khi tu thành, được Ngọc Hoàng phong làm Quyển Liêm Đại tướng. Tiếc thay sau này lỡ tay làm vỡ chiếc ly ngọc mà bị giáng xuống hạ giới sống ở đáy sông Lưu Sa, cuối cùng cũng lại được Bồ Tát khuyến thiện quy y cửa Phật, bảo vệ Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, công thành viên mãn làm Kim Thân La Hán.
Bạch Long Mã vốn là con của Long Vương Tây Hải, do phạm tội đốt điện Minh Châu nên bị coi là nghịch tử, sau được Bồ Tát cứu độ, biến thành Bạch Mã, phò tá Đường Tăng sang Tây Trúc, được phong làm Bát Bộ Thiên Long.
Thầy trò Đường Tăng, ngoài Ngộ Không ra thì cả bốn người còn lại đều xuất thân từ Thần Tiên trên tiên giới, điều ấy hoàn toàn đúng với bốn câu thơ của tác giả Minh Tịnh:
“Sinh mệnh vốn là tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương”…
Con người sinh ra trong cõi hồng trần vốn là để hoàn trả nợ nghiệp và tìm kiếm cho mình cơ hội đắc Pháp, trở về nơi cố hương Thiên thượng. Tây Du Ký chính là tác phẩm điểm hoá cho con người thế nhân đừng quên đi mất bản chất tiên thiên của mình.
Vũ Minh
Theo Chánh Kiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét