
Trong hầu như mọi trường hợp chúng ta đều có thể tìm thấy sự tương đồng trong tính cách của một đứa trẻ và cha mẹ nó. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” – điều này có lẽ không cần phải bàn cãi. Vậy nhưng tại sao người ta lại nói “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”? Cha mẹ có vai trò như thế nào trong việc hình thành tính cách của con cái?

Anh là một người rất cẩn thận. Trước mỗi quyết định anh đều phải suy nghĩ rất nhiều, và sau khi đưa ra quyết định anh cũng không thể thư giãn cho đến lúc việc đó cho kết quả. (Peakpx)
Hôm đó anh bạn tôi được mẹ dẫn đi mua quần mới. Sau khi thử và quả quyết cỡ này vừa rồi, hai mẹ con trả tiền và ra về. Tới nhà, mẹ anh kiểm tra thì thấy thắt lưng con trai lằn một vòng chun quần, thì ra chiếc quần đó quá chật so với anh. Sau khi bị mắng một trận té tát, anh cùng mẹ quay lại cửa hàng để đổi chiếc quần khác to hơn. Không may là chủ hàng không chấp nhận, vậy là một cuộc cãi nhau quyết liệt diễn ra mà mọi lỗi lầm đều là do anh. Không rõ cuối cùng anh bạn có được đổi quần hay không, chỉ biết là về tới nhà anh lại bị mắng thêm một trận nữa. Chiếc quần là chuyện nhỏ, nhưng ấn tượng trong anh về buổi chiều hôm đó thì đến tận bây giờ vẫn không phai. Nó đã góp phần xây dựng nên tính cách cẩn thận, cầu toàn của anh bạn tôi. Đương nhiên tính cách đó không phải ngày một ngày hai mà hình thành, có lẽ những câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với anh, nhưng chiếc quần mới kia là câu chuyện khiến anh khó quên nhất.

Bản chất của một đứa trẻ thực chất phụ thuộc vào cách ứng xử của cha mẹ với nó, cũng như với những người xung quanh. (freesvg.org)
Giai đoạn từ 2 đến 10 tuổi là giai đoạn vàng trong quá trình hình thành tính cách của trẻ nhỏ. Sau thời gian này, phần cốt lõi nhất trong bản tính của trẻ đã được định hình xong, những gì được thêm vào tính cách nó sau đó đều chịu ảnh hưởng từ phần cốt lõi đó. Trong giai đoạn này, mọi tính cách dù tốt hay xấu của trẻ phần lớn đều do người lớn tác động – những người sống bên cạnh và có ảnh hưởng tới chúng.
Nói tóm lại, cha mẹ sinh ra con, bản tính của cha mẹ quyết định tính cách của con. Bản tính của cha mẹ thực chất lại không do cha mẹ tự quyết. Đây chính là ý nghĩa của câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.
Mỗi điều kiện trong tình yêu đều sẽ dẫn đến một cực đoan trong tính cách của trẻ
Yêu con vô điều kiện có nghĩa là chúng ta luôn luôn hài lòng, hạnh phúc vì con. Một đứa trẻ được cha mẹ yêu thương vô điều kiện sẽ không cần phải tự uốn nắn bản thân mình theo tiêu chuẩn của cha mẹ để có được sự công nhận từ cha mẹ, nó có thể giữ được sự hồn nhiên và bản tính tốt đẹp vốn có từ khi sinh ra. Một điều kiện khi xuất hiện sẽ kéo theo một sự thay đổi trong tính cách của con trẻ.
Trong câu chuyện được kể ở trên, người mẹ đã không hài lòng với con vì sự thiếu cẩn thận khi ra quyết định. Qua đó đứa trẻ hiểu được rằng, để được mẹ yêu thương, lần sau mình cần phải suy nghĩ kỹ hơn; nếu quyết định sai, mẹ sẽ không vui và mình sẽ bị phạt; ý tưởng đó qua thời gian lâu dài đã tác động sâu sắc lên tính cách nó. Đương nhiên không phải mỗi một điều kiện đều sẽ dẫn đến một kết quả duy nhất, nó còn phụ thuộc vào yếu tố cá nhân của đứa trẻ nữa; một cặp song sinh lớn lên trong cùng một hoàn cảnh cũng không nhất định là có tính cách giống nhau. Tuy nhiên chắc chắn mỗi một điều kiện đều sẽ kéo đứa trẻ ra xa khỏi bản tính ban đầu của nó, mà xét trên một phương diện nào đó thì mỗi sự thay đổi bản tính đều mang tác dụng tiêu cực.
Mỗi một điều kiện trong tình yêu thương đều sẽ kéo đứa trẻ ra xa khỏi bản tính ban đầu của nó, mà xét trên một phương diện nào đó thì mỗi sự thay đổi bản tính đều mang tác dụng tiêu cực. (Teresa Qin Flickr – CC BY-SA 2.0)
Yêu cầu con trai phải cẩn thận trong mỗi quyết định là một phần trong tính cách của người mẹ, có lẽ vì bản thân bà cũng là một người rất kỹ tính. Tính cách đó được truyền lại cho thế hệ sau thông qua những sự kiện kiểu như câu chuyện chiếc quần mới kia. Một sự cực đoan trong tính cách của cha mẹ sẽ phản ánh ra một điều kiện trong mối quan hệ với con cái. Điều kiện đó kết hợp với cá tính mạnh hay yếu thiên bẩm của đứa trẻ mà hình thành nên tính cách của nó. Đây chính là yếu tố “an bài” trong tính cách của mỗi con người. Nói rằng tính cách mỗi người là do trời sinh, không hề phụ thuộc vào mong muốn của cha mẹ là vì lý do này.
“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” không phải là không thể thay đổi
Người bạn của tôi sẽ thông qua con đường tương tự mà tạo ra một sự cực đoan trong tính cách của con mình. Điều này chắc hẳn cũng nằm trong an bài của ông trời. Tuy nhiên không phải không có cách để thay đổi an bài đó. Bằng cách bài trừ sự cực đoan trong tính cách của bản thân, cha mẹ có thể loại bỏ điều kiện trong tình yêu với con, qua đó thay đổi an bài trong tính cách của nó.

Bằng cách bài trừ sự cực đoan trong tính cách của bản thân, cha mẹ có thể loại bỏ điều kiện trong tình yêu với con, qua đó thay đổi an bài trong tính cách của nó. (Pexels)
Nói thì dễ nhưng thực hành lại không hề đơn giản. Giữa nổi giận và không nổi giận là một khoảng cách cực lớn, nó nằm sâu bên trong bản chất của một con người. Khi mâu thuẫn đến, chúng ta thông thường không có đủ thời gian để suy xét lợi hại, mà sẽ hành động theo bản tính sẵn có. Vì thế, muốn không nổi giận với con, người mẹ sẽ cần một sự thay đổi lớn trong tính cách. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” – vẫn biết thay đổi bản tính là điều khó nhất, nhưng chúng ta vẫn có thể. Tất cả chỉ cần bắt đầu từ một mong muốn, mong muốn thay đổi bản thân mình để trở thành một phiên bản tốt hơn. Và tình cờ con cái lại chính là động lực lớn nhất để cha mẹ có thể thay đổi.

Bất kỳ khi nào chúng ta thấy không hài lòng vì con, đó là lúc một điều kiện không được thỏa mãn. Chúng ta có thể từ manh mối đó mà tìm ra điểm cực đoan trong tính cách của mình mà loại bỏ nó đi. (Pexels)
Lời kết
Nhiều người nghĩ rằng hoàn cảnh môi trường xã hội là yếu tố quyết định tạo nên tính của của một con người. Tôi không đồng ý với nhận định đó. Trong cùng một lớp học vẫn sẽ có học sinh ngoan, học sinh cá biệt; xã hội nhiều cạm bẫy, cám dỗ, vậy tại sao có người thành công, có người thất bại, có người luôn lạc quan vui vẻ, có người thì lại bi quan chán chường. Hoàn cảnh xã hội không trực tiếp tạo nên một con người, nhưng hoàn cảnh xã hội cũng có vai trò quan trọng, nó kết hợp với bản tính của một cá nhân mà hình thành nên số phận của người đó.
Là cha mẹ, chúng ta luôn mong muốn mọi điều tốt nhất cho con cái, cả trong hiện tại lẫn tương lai. Hạnh phúc của một người thông thường phụ thuộc vào hai yếu tố: hoàn cảnh bên ngoài và bản chất bên trong. Hoàn cảnh chúng ta không thể quyết định được, nó được quyết định bởi trường lớp, xã hội, môi trường mà con người sinh sống. Chỉ có bản tính bên trong của con là thứ mà cha mẹ có thể tác động đến.
Một người có sự cân bằng, ít cực đoan trong tính cách là người có thể tìm được hạnh phúc trong cuộc sống mà ít bị lệ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh. Tình yêu vô điều kiện thực chất không đảm bảo con sẽ là người thành công nhất, nhưng có thể chắc chắn con sẽ là người hạnh phúc nhất.
Theo NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét