Sáu phương là gì, tại sao phải lễ bái sáu phương như chàng Thiện Sanh đã làm, anh ta làm vì nghe lời cha mà không hiểu ý nghĩa của việc lễ bái đó. Phật dạy: “Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ”. Bài dạy lễ sáu phương là cách mà Phật dạy đạo làm người.
Đạo hiếu làm con, phận làm cha mẹ.
Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều:
1. Cung phụng không để thiếu thốn.
2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.
3. Không trái điều cha mẹ làm.
4. Không trái điều cha mẹ dạy.
5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái:
1. Ngăn con đừng để làm ác.
2. Chỉ bày những điều ngay lành.
3. Thương yêu đến tận xương tủy.
4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.
5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng..
Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ, cha mẹ thương con, bảo bọc cho con thế thì gia đình ấy được hạnh phúc, xã hội bình an, phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.
Đạo nghĩa thầy trò
Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm điều:
1. Hầu hạ cung cấp điều cần.
2. Kính lễ cúng dường.
3. Tôn trọng quí mến.
4.Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.
5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.
Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:
1. Tùy thuận pháp mà huấn luyện.
2. Dạy những điều chưa biết.
3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.
4. Chỉ cho những bạn lành.
5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
Nếu đệ tử kính thuận, cung kính nghe lời sư trưởng, thầy thì thương trò, chỉ bảo dạy dỗ tận tình cho học trò thì nền giáo dục xã hội ấy phát triển, phương ấy vững bền, an ổn không có điều lo sợ.
Đạo nghĩa vợ chồng
Chồng phải có năm điều đối với vợ
1. Lấy lễ đối đãi nhau.
2. Oai nghiêm không nghiệt.
3. Tùy thời cung cấp y, thực.
4. Tùy thời cho trang sức.
5. Phó thác việc nhà.
Vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng
1. Dậy trước.
2. Ngồi sau.
3. Nói lời hòa nhã.
4. Kính nhường tùy thuận.
5. Đón trước ý chồng.
“Chồng đối với vợ thương yêu, tôn trọng, vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.
Quan hệ bạn bè, tình làng nghĩa xóm
Người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con
1. Chu cấp.
2. Nói lời hiền hòa.
3. Giúp ích.
4. Đồng lợi.
5. Không khi dối.
Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại
1. Che chở cho mình khỏi buông lung.
2. Che chờ cho mình khòi hao tài vì buông lung.
3. Che chở khỏi sự sợ hải.
4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.
5. Thường ngợi khen nhau.
“Tình người, tình làng nghĩa xóm, biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ”.
Quan hệ chủ tớ, trên dưới
Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo
1. Tùy khả năng mà sai sử.
2. Tùy thời cho ăn uống.
3. Phải thời thưởng công lao.
4. Thuốc thang khi bệnh.
5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.
Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ:
1. Dậy sớm.
2. Làm việc chu đáo.
3. Không gian cắp.
4. Làm việc có lớp lang.
5. Bảo tồn danh giá chủ.
“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ”.
Quan hệ giữa đàn việt với Sa-môn
Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn với năm điều.
1. Thân hành từ.
2. Khẩu hành từ.
3. Ý hành từ.
4. Tùy thời cúng thí.
5. Không đóng cửa khước từ.
Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều:
1. Ngăn ngừa chớ để làm ác.
2. Chỉ dạy điều lành.
3. Khuyên dạy với thiện tâm.
4. Cho nghe những điều chưa nghe.
5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.
6. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.
“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.
Bấy giờ Thiện Sinh bạch Phật:
“Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”
Đọc toàn bộ nội dung kinh, một bản kinh ngắn, súc tích, ngôn ngữ Phật dùng rất rõ ràng mà bất cứ ai đọc cũng có thể nắm bắt, lời dạy như luồng sáng mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy, rất thiết thực, căn bản, rất cần cho chúng ta trong ứng xử với các mối quan hệ thường ngày trong cuộc sống.
Các pháp đều nương với nhau mà tồn tại, cũng vậy, mỗi người trong cuộc sống cũng đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm về một điều gì đó với một ai đó, mỗi một ai đó sẽ là phần còn lại về nghĩa vụ và trách nhiệm của người nào đó, suy ra sẽ nhìn thấy một ma trận ngang dọc, ma trận vuông tròn các quan hệ. Quan hệ cha mẹ, con cái, ai cũng ít nhất một lần làm học trò, ai cũng ít nhất có một người bạn, ai cũng phải làm một việc gì đó để sống,…vì vậy cần phải ứng xử sao cho hợp đạo hợp nghĩa, đúng mực để tự bảo vệ bản thân tức là bảo vệ cho gia đình, cho xã hội.
Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế, như đời: “đường hai nẻo xuống lên”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét