Con người mang một bản chất xã hội nhất định; bản chất ấy có cơ sở vật chất - sinh học của nó, bởi con người trước hết là một thực thể sinh vật
Nhân cách của nó không tách rời mà trái lại gắn liền với những cội rễ của di truyền sinh vật mà nó thừa hưởng từ những thế hệ trước để lại. Song, trong sự hình thành bản chất xã hội của từng cá thể, cá nhân thì tính ưu trội và vai trò quyết định lại thuộc về cơ sở xã hội - lịch sử và văn hoá, thuộc về thực thể xã hội. Con người mang bản chất xã hội và hình thành nhân cách của mình tư sự tổng hoà các quan hệ xã hội, từ hoàn cảnh xã hội mà trong đó nó tồn tại, nó thực hiện hoạt động sống của mình. Mác đã vạch ra những luận đề nổi tiếng về những đặc trưng xã hội và qui luật xã hội tác động tới sự hình thành bản chất người, nhân cách người. Đó là:
- Nếu con người là sản phẩm của hoàn cảnh thì vấn đề là ở chỗ, phải tạo ra hoàn cảnh có tính người. Đó là nhân tính, là những sức mạnh (lực lượng) bản chất người của con người. Đó là con đường phát triển theo xu hướng nhân đạo hoá hoàn cảnh để hình thành nên nhân cách người.
- Hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mực mà con người tác động cải biến trở lại đối với hoàn cảnh. Con vật là một tồn tại bản năng trong khi con người là một thực thể xã hội có hoạt động sống sáng tạo dựa trên tiền đề tồn tại.
- Sự phong phú của mỗi cá nhân tuỳ thuộc vào sự phong phú của những mối liên hệ, những quan hệ xã hội của nó. Con người trở thành thực thể và chủ thể xã hội bằng hoạt động của nó từ cá thể đến loài, từ bản chất loài, tộc loại tiến đến bản chất xã hội. Đó là cả lịch sử của nó - lịch sử sáng tạo ra một tự nhiên thứ hai như là sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật của chính mình. Con người sáng tạo ra xã hội con người theo qui luật của cái đẹp. Đó là cái đẹp của văn hoá, của nhân tính.
Điều đó chứng tỏ rằng, con người sáng tạo ra văn hoá và văn hoá sáng tạo ra con người ở phương diện làm cho con người hoàn thiện, con người mang nhân cách văn hoá mà trong hình thái lý tưởng của nó là sự hài hoà Chân - Thiện - Mỹ. Đây là một tổng hoà các giá trị Nhân bản (thuộc phạm trù khoa học), Nhân đạo (thuộc phạm trù đạo đức) và Nhân văn (thuộc phạm trù văn hoá). Văn hoá thống nhất trong bản thân nó khoa học và đạo đức.. Nhân văn bao hàm trong nó những giá trị nhân bản và nhân đạo. Đạt đến trình độ phát triển nhân văn là đạt đến văn hoá, đạt đến nhưng thành quả sáng tạo của con người và loài người nhằm thoát mỹ hoá hiện thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét