NGUỒN GỐC Ý NGHĨA NGÀY LỄ PHẬT ĐẢN VÀ TẮM PHẬT - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

NGUỒN GỐC Ý NGHĨA NGÀY LỄ PHẬT ĐẢN VÀ TẮM PHẬT

NGUỒN GỐC Ý NGHĨA NGÀY LỄ PHẬTĐẢNTẮM PHẬT
                               TT. Thích Thiện Hạnh
                            Phó Viện Trưởng phân Viên NCPHVN tại Hà Nội

I.             Nguồn gốc ngày Phật Đản
Nhắc đến cuộc đời Đức Phật người ta thường nhắc đến bốn sự kiện quan trọng, cũng là bốn mốc son trong quãng thời gian thị hiện nơi trần thế của Ngài, đó là ngày Đản sinh (Đức Phật ra đời); ngày thành đạo (tìm ra diệu lý); thời gian chuyển pháp luân (hoằng pháp) và Niết bàn (nhập diệt), trong đó, ngày Đức Phật đản sinh đã trở thành ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ trên toàn thế giới. 

Hiện nay, trong kinh điển của Bắc tông và Nam tông có những điểm khác biệt nhất định về ngày đản sinh cũng như về những mốc thời gian khác trong cuộc đời Đức Phật nhưng tựu trung lại đều thể hiện tương đối đầy đủ và cụ thể về bốn sự kiện trên.
Sự kiện Đức Phật đản sinh, đắc đạo và trở thành Đấng Giác Ngộ toàn năng đánh dấu vàng son trong lịch sử nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nguồn tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú về ĐứcPhật, cho nên những vấn đề liên quan đến lịch sử, sự kiện trong cuộc đời Đức Phật vẫn còn những tồn nghi. Tuy nhiên có một điều đã khẳng định chắc chắn rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải chỉ là một nhân vật huyền thoại được tín đồ và quần chúng nhân dân thần thánh hóa. Chính ngay những giây phút đầu tiên khi đản sinh, Thái tử Tất Đạt Đa đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại, cuộc cách mạng đó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử tôn giáo mà trước đây đã đè nặng lên ý thức của con người. Sự cách mạng của Đức Phật thể hiện trên câu nói thật ngắn gọn mà đầy trí tuệ và bình đẳng: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Đây là sự xác nhận quyền làm người của con người, mỗi người đều có khả năng, sức mạnh tinh thần như nhau và được quyền nhận hay không nhận những gì thuộc về con người. Tư tưởng cách mạng này đánh đổ toàn bộ cả hai lĩnh vực xã hội và tôn giáo, không những chỉ trong thời điểm ấy mà cho đến hôm nay vẫn luôn luôn có giá trị trong xã hội nhân loại.
Trong kinh điển của Phật giáo đều không nêu rõ Đức Phật sinh vào ngày nào mà chỉ nêu Ngài đản sinh vào một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ, tức là tháng Tư theo lịch mặt trăng của người phương Đông. Kinh điển Nam tông và Bắc tông đều ghi rằng mẹ củaNgài làhoàng hậu Mahamaya đản sinh Đức Phật dưới gốc cây Sa la trong vườnhoa Công viênLambini. Kinh điển Nam tông cũng ghi rằng: Khi hoàng hậu Mahamaya gần đến ngày lâm bồn mới thưa với đức vua Tịnh Phạn xin được trở về nhà mình(Quê ngoại). Được Đức vua đồng ý, bà cùng đoàn tùy tùng đã trở về quê hương, khi đi qua vuờn hoa công viên Lambini có rất nhiều cây Sa la, bà đã dừng chân vào nghỉ ngơi. Ngay lúc đó Hoàng hậu cảm thấy chuyển bụng, đoàn tùy tùng liền che một chiếc màn quanh bà rồi rút lui. Khi bà còn đang đứng và tay bám lấy một cành cây sala bà đã đản sinh một người con. Khi đó bốn vị đại phạm thiênxuất hiện mang theo chiếc lưới bằng vàng và quấn lấy người con bằng chiếc lưới đó. Và cũng ngay khi đó, có hai trận mưa từ trên trời dội xuống để tôn kính vị Phật tương lai và làm mát mẻ cho thân ngườimẹ và Ngài. Sau khi rời khỏi tay các vị đại phạm thiên, Ngài được bốn đại thiên vương đỡ lấy và bọc trong một miếng vải làm bằng da linh dương màu đen.
Có nhiều tư liệu hiện nay bàn về năm Đức Phật Thích Ca đản sinh như: Việt Nam Phật giáo sử lược của Hòa thượng Thích Mật Thể ghi các năm: 1027, 1023, 685, 624, 566, 561, 557, 487, 466 trước Công nguyên; Lịch sử Phật giáo Việt Nam của GS. Lê Mạnh Thát ghi là sinh vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên; Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có ghi các năm 1028, 624, 558, 520 trước Công nguyên; Lược sử Phật giáo Ấn Độ của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm xác định đản sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm 642 trước Công  nguyên; Phật học Tinh yếu của Hòa thượng Thích Thiền Tâm ghi năm sinh 624 trước Công nguyên; Phật học khái lược của Lưu Vô Tâm ghi năm sinh 624 trước Công nguyên... Tựu trung, thuyết ghi năm sinh của Đức Phật là 624 trước Công nguyên là phổ biến hơn cả.
        Trước đây các quốc gia có truyền thống Phật giáo thường lấy ngày 8 tháng 4 làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh là do trong lịch sử chỉ ghi rằng Đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ, ngày trăng tròn đó là ngày 8 theo lịch cổ Ấn Độ. Đến Đại hội Phật giáo Thế giới năm 1960 họp tại Phnompênh (Campuchia), các đại biểu đã thống nhất lấy ngày rằm tháng Tư theo lịch mặt trăng làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh của phật giáo đồ trêntoàn thế giới. Cũng cần nói thêm về việc tính Phật lịch liên quan đến ngày sinh của Đức Phật. Tại Đại hội Phật giáo Thế giới diễn ra tại Tôkyô (Nhật Bản) năm 1952, các đại biểu của giới Phật giáo trên toàn thế giới đã quyết nghị lấy năm Đức Phật nhập Niết Bàn, tức năm 544 trước Công Nguyên làm năm đầu của Phật lịch. Theo cách tính của Phật giáo Bắc tông, Đức Phật thọ 80 tuổi, tức là năm 624 TCN là năm Đức Phật đản sinh. Ngài xuất gia năm 19 tuổi (năm 605 TCN), thành đạo năm 31 tuổi (năm 593 TCN), hoằng pháp 49 năm và nhập Niết Bàn năm 544 TCN. Theo cách tính của Phật giáo Nam tông, Đức Phật thọ 80 tuổi, tức là năm 624 TCN là năm Đức Phật đản sinh. Ngài xuất gia năm 29 tuổi (năm 595 TCN), thành đạo năm 35 tuổi (năm 589 TCN), hoằng pháp 45 năm và nhập Niết bàn năm 544 TCN. 
        Trong kinh điển Bắc tông thì ghi rằng: Hoàng hậu Mahamaya nằm chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà biến thành hào quang soi vào bụng rồi có mang. Đến kỳ sinh nở, bà đến khu rừng Lambini và sinh ra ngài bên phía sườn phải, tự nhiên có bông hoa sen nảy lên đỡ chânNgài và có chín con rồng từ trên trời xuống phun hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho Ngài, lại có bách thần xuống trông nom săn sóc. Sau khi được sinh ra, Ngài liền bước bảy bước, mỗi bước đi đều nảy một bông sen dưới chân, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói rằng: “Trên trời, dưới đất ta là người cao quý nhất”.Trong quan niệm của Phật giáo Nam tông, có một sự màu nhiệm liên quan đến những sự kiện trong cuộc đời Đức Phật đó là Đản sinh, thành đạo, và Niết bàn đều diễn ra vào đêm trăng tròn, tức đêm rằm của tháng Tư theo đúng ý nguyện của Đức Phật. Cho nên các hàng Phật tử tại gia và xuất gia đều lấy ngày rằm tháng Tư làm ngày lễ cúng dường Đức Phật. Và cũng chính vì lí do đó, năm 1999, tại phiên họp thứ 54, tạiĐại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết nghị công nhận ngày Tam hợp Đức Phật (đản sinh, thành đạo, Niết bàn) vào rằm tháng Tư (tháng Vesaka) là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, tên đầy đủ là Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc. Năm 2008-2014 đấtnướcViệt Nam vàGiáo hội phật giáo Việt Nam vinh dự đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ quan trọng này. Đặt biệt năm nay Đại lễ Vesak năm 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế,khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam với các hoạt động của Liên hợp Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; đặc biệt là sự phát triển không ngừng của Phật giáo Việt Nam trong suốt hơn 2.000 năm qua. Đây là một ngày cực kỳ quan trọng đối với những người theođạo Phật,một ngày mà “ánh sáng chân lý” xuất hiện dẫn dắt chúng ta thoátrakhỏi mọi khổ đau trên hành tinh này. Là dịp cho người xuất gia và Phật tử tại gia để bày tỏ lòng thành kính của mình đối với bậc giáo chủ vẹn toàn và đầy uy đức. Sự tôn vinh đức Phật, một lần nữa tô đậm lên dòng sông tâm thức dấu ấn tôn kính và phục tùng của người tín đồ, không để cho hình ảnh của Phật phai mờ trong tâm trí. Và cũng là cơ hội cho chúng ta ôn lại cuộc đời của Đức Phật,nhằm khích lệ nghị lực của người con Phật trên lộ trình tu tập. Là cơ hội để chúng ta khẳng định giá trị của Phật và lập trường tôn giáo của mình đối với mọi người. Từ đó nói lên giá trị tinh thần, lý tưởng mà chúng ta theo đuổi trong suốt cuộc đời.  
Trong suốt cuộc đời hành đạo, Đức Phật không có để lại một lời tiên tri, phỏng đoán nào về vận mệnh của con người và trái đất…mà Đức Phật chỉ nói về nhân duyên và pháp vô thường của vạn hữu, thể hiện qua bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt mà ai cũng có thể chứng ngộ và thấy được qua bao ngàn năm nay. Khichúngta dùng trí tuệ chiếu vào thì vạn pháp “bất bần bất phú, bất cao bất đê, bất phàm bất thánh, bất ái bất ố, bất tịnh bất cấu, bất tăng bất giảm.” khiến Trí Tuệ lắng yên và Tâm Đại Bi hiển lộ. Sự tôn quí hay thấp hèn của con người không phải do chủng tộc hay giai cấp cao thấp sinh ra. Bất luận là ở chủng tộc nào, ai biết làm việc tốt, có công phu tu học, có giác ngộ và chứng quả thì đều là người trong sạch, cao thượng, đáng tôn quí, đó là sự xác định rõ một khuôn thước thẩm định giá trị của con người qua phẩm hạnh đạo đức, qua những gì tốt lành cống hiến cho đời…vẫn còn xác quyết cho tới ngày hôm nay.
Đức Phật là bậc đại giác ngộ, là bậc chí tôn trong đời. Chúng ta qui y làm đệ tử của Người để tìm thấy con đường tự do giải thoát. Đó là hạnh phúc và vinh quang nhất của đời chúng ta.” Chính vì tôn trọng trí tuệ cho nên một trong ba lời nguyện mà chư tăngni và Phật tử đọc tụng hằng ngày có câu:
Tự quy y PhápĐương nguyện chúng sinh;
Thấu rõ kinh tạngTrí tuệ như biển.
Như vậy theo tinh thần của Phật Giáo, đọc tụng, nghiên cứu kinh điển là để mở mang trí tuệ rộng lớn như biển cả, chứ kinh điển Phật Giáo không phải là một thứ bùa mê làm lu mờ trí tuệ, lú lẫn con người.Từ những nhận định trên chúng ta có thể kết luận rằng Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng Trí Tuệ và Phật Giáo là đạo của Trí Tuệ. Cũng giống như Mặt Trời chính là ánh sáng. Nền tảng Trí Tuệ chính là sinh mệnh của Phật Giáo.Đạo Phật luôn luôn đến với con người khi con người sáng suốt nhất. Đạo Phật là sự bừng nở hoa tâm, giã từ sự ích kỷ, giã từ gian tham, giã từ tật đố, giã từ bóng tối, giã từ kiêu mạn, giã từ cái hữu hạn để tìm về nơi vô hạn. Theo Phật hay theo Đạo Phật là mong muốn trở thành Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, bơi lội trong biển Trí Tuệ, tắm mát trong suối Từ Bi và rong chơi trong vườn Giải Thoát, là người nhưng biết thương người và bình đẳng với muôn loài. Vì vậy chúng ta là mỗi người con Phật hãy sống một cách có ý thức, sống theo nếp sống chói sáng của đạo đức Phật giáo, sống trong trắng như núi tuyết, như mặt trăng không mây che. Và hãy sống thiện đối trị các pháp bất thiện, hãy sống thiểu dục, tri túc để đoạn trừ dục vọng. Đó là lời khuyên của Đức Phật. Hãy tìm đến nguồn vui cao cả và bất tận của một nếp sống đạo đức như vậy. Hãy biết nhàm chán những thú vui thấp hèn năm dục, vị ngọt ít, khổ não nhiều,Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng Chi Bộ, “kinh Thú vui như phân”.
Ngày lễ Phật đản đã trở thành một ngày lễ quan trọng của người con Phật trên khắp hành tinh này, để thể hiện lòng tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai, mà còn nhắc nhở cho chúng ta luôn hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội hoà bình, hạnh phúc, an lạc đúng như ý nguyện lúc đản sinh của Đức Phật, để khắp nhân gian đều an bình, hòa hợp trong chính pháp của Đức Như Lai.
II.          Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản 
Từ sự ra đời vĩ đại này, nhân loại mới có một bậc vĩ nhân, một đức Phật đã cống hiến cho nhân loại nhiều giá trị đạo đức, trí tuệ, văn hóa nhân văn…Do đó, Lễ Phật đản cũng mang ý nghĩa tri ân và tôn kính đức Phật. Tri ân vì đức Phật là bậc thầy vĩ đại đưa đường chỉ lối cho chúng ta đi đến an lạc. Tôn kính vì những đóng góp vô song của đức Phật về giá trị đạo đức, phương pháp tu tập tâm linh.Phải biết tu học theo lời đức Phật dạy trong các kinh sách, để đạt giác ngộ và giải thoát, chứ không phải tu mù, ai bảo sao làm vậy, ai nói sao nghe vậy, hết sức mê tín dị đoan.
Đức Phật ra đời là để khơi mở tuệ giác cho hết thảy chúng sinh:Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh. Do đó, sự xuất hiện Đức Phật trong cõi đời này là để khơi mở trí tuệ cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh, phá trừ tất cả màn hắc ám vô minh đó, để cho hết thảy chúng ta nhận ra được Phật tính ở nơi bản tâm, và nhận ra được trí tuệ ở nơi mỗi chúng ta.Đức Phật ra đời là chỉ bày cho chúng ta một con đường an lạc và nhận diện được đâu là con đường hạnh phúc, đâu là con đường khổ đau, đâu là giá trị cao quý, đâu là không có giá trị ở trong cuộc sống của chúng ta. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, một đời sống có thể trở thành cao quý khi lời nói, hành động, việc làm của mỗi chúng ta được phát xuất từ một tâm hồn cao quý. Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh thấy rõ rằng, lời nói tầm thường, hành động tầm thường, việc làm tầm thường có gốc rễ từ nơi một tâm hồn tầm thường.Chúng ta muốn sống một đời sống cao thượng mà không biết nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn từ, bi, hỷ, xả thì chúng ta không thể nào có đời sống cao thượng được.Bởi vậy, trong Kinh nói rằng, Đức Phật ra đời là để “Thị Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh. Thị Phật Tri Kiến là chỉ rõ bản chất giác ngộ cho hết thảy chúng sinh. Khi mà chúng sinh nhận ra, thấy rõ bản chất giác ngộ đó rồi, thì bắt đầu xây dựng đời sống hạnh phúc, an lạc cho mình và cho hết thảy mọi người.
Do đó, Đức Phật đã chỉ rõ đời sống của chúng ta, dù một kẻ tầm thường đến mức nào đi nữa cũng có khả năng giác ngộ. Một người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc. Dù một kẻ rất tầm thường cũng có thể vươn mình đi đến đời sống thánh thiện, cao thượng.Điều đó, Đức Phật đã dạy cho chúng ta, và hết thảy chúng sinh hơn 25thế kỷqua. Trong lịch sử, cũng như trong đời sống thực tế, chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ trong đời sống tầm thường, họ không gặpđượcPhật pháp, không nghe được lời giáo huấn cao quý của những Bậc phạm hạnh, nhưng khi họ gặp được thì họ có cơ duyên trở thành người cao quý.Bao nhiêu kẻ bất hiếu với cha, bất hiếu với mẹ, nhưng khi gặp thầy hiền, bạn tốt, sống trong một khung cảnh dễ thương, họ trở thành một con người hiếu kính, một con người thuần thiện. Điều đó đã chứng tỏ rằng, chúng ta có thể giác ngộ được, nhận ra được cái tính chất cao thượng của chúng ta ngay trong đời sống này.Nói như vậy để cho tất cả chúng ta thấy rằng, cái ác, cái xấu ở giữa đời không đâu là không có và không lúc nào là không có. Vậy, chúng ta không sợ rằng chúng ta xấu, chúng ta không sợ rằng chúng ta ác, mà chỉ sợ rằng, chúng ta không nhận ra điều ác để tránh, không nhận ra được điều xấu để chúng ta từ bỏ. Chúng ta chỉ sợ rằng, chúng ta bị vô minh ám chướng, nhận thức sai lầm, để rồi bị đầu độc mà không nhận ra được giá trị cao quý trong đời sống của chúng ta, để vươn mình đi tới cái cao quý, tốt đẹp.
Trong Kinh diễn tả mục đích của Phật ra đời là “Nhập Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh. Nghĩa là, Đức Phật bước đi là bước đi bằng tuệ giác. Ngài đứng là cách đứng của tuệ giác. Ngài nằm là cách nằm của tuệ giác. Ngài ngồi là cách ngồi của tuệ giác. Ngài nhìn là cách nhìn của tuệ giác. Ngài nghe là cách nghe của tuệ giác. Ngài ngửi là cách ngửi của tuệ giác. Ngài thở là cách thở của tuệ giác. Bởi vì, tất cả những cái đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, tiếp xúc bằng năng lượng tuệ giác đó, nên trong đời sống của Đức Phật không còn mảy may sai lầm.Còn chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi bằng vọng niệm. Chúng ta nói, nhìn, nghe, ngửi, ăn bằng điên đảo tưởng. Chính cái điên đảo tưởng đó thúc đẩy chúng ta đi vào con đường khổ đau, con đường bất ổn. Bởi vậy, suốt hơn 25thế kỷ, bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời sau khi nghe những lời Phật dạy, đem những lời Phật dạy đó vào trong đời sống của mình để thực tập, để sống và bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời đã có hạnh phúc, đã có an lạc.Vậy mỗi người phải biết trở về sống với cái dễ thương nơi mình, cái dễ thương nơi mình chính là Phật tính, cái quý giá nhất nơi mình chính là Phật tính. Chúng ta trở về lại với cái cao đẹp nhất nơi chúng ta là Phật tính.
Vào ngày lễ Phật Đản hàng năm, các Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua nhiều hình thức như dâng cúng, tặng hoa hay đến chùa nghe giảng pháp); thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (Từ bi hỷ xả); thực hành bố thí và làm nhiều việc từ thiện, tặng quà, tiền bạc cho những người thuộc hệ yếu kém trong xã hội. 
Chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật, chúng ta phải làm thế nào đó để Đức Phật trong chúng ta phải ra đời mỗi ngày. Chúng ta làm lễ Đức Phật đản sinh, nghĩa là chúng ta có khả năng làm cho Đức Phật trong ta đản sinh mỗi ngày, thì Ma vương phải khóc, quỷ thần phải khóc, những kẻ manh tâm phá hoại Phật giáo phải khóc, phải giong tay đầu hàng.Trong mỗi chúng ta có Phật đản sinh mỗi ngày,và mỗi ngày chúng ta được đỉnh lễ Phật đản sinh, đó mới thật sự là người đệ tử của Phật làm lễ kỷ niệm đản sinh một cách thông minh, một cách tài tình, một cách có trí tuệ và là một phương tiện thiện xảo.
Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, Ngài không đi trên hoa Sứ, Ngài không đi trên hoa Cúc. Mặc dù, hoa Cúc được xem là biểu tượng cho những nhà ẩn sĩ, đạo sĩ. Nhưng Đức Phật không xuất hiện trên hoa Cúc, mà Ngài chỉ xuất hiện trên hoa Sen. Bởi vì, hoa Cúc không phải là vô nhiễm, hoa Cúc không phải là “hoa nở Cúc hiện, hoa rụng Cúc thành”, mà chỉ có hoa Sen mới có những đặc điểm như thế. Cho nên, Đức Phật mới xuất hiện trên hoa Sen và Ngài đi bảy bước.Toàn thể vũ trụ hay sự hình thành của chúng sinh không ra ngoài bảy yếu tố (địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, không đại, tâm đại, thức đại) này. Sự có mặt của chúng ta là do sự có mặt của bảy yếu tố trên. Và sự có mặt của Đức Phật là sự có mặt của bảy yếu tố đó. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài xuất hiện trên hoa sen, ngồi trên hoa Sen, đứng trên hoa Sen, đi trên bảy hoa Sen để chứng tỏ rằng, Ngài xuất hiện trên cõi đời này với tâm vô nhiễm, với trí vô nhiễm, với tuệ vô nhiễm. Còn chúng ta vì vô minh ái nghiệp, vì u mê ám chướng mà vào nằm trong bụng mẹ không có khả năng đi những bước vững chãi trên những hoa Sen. Chúng ta phải làm như thế nào đó để Đức Phật trong chính chúng ta đản sinh mỗi ngày và mỗi ngày chúng ta phải thấy được Phật đản sinh.Các buổi lễ của Phật giáo, quan trọng nhất là lễ Phật Ðản, đều nhằm mục đích dẫn dắt con người đến với đạo, xoa dịu bớt những nỗi khổ đau của cuộc đời.Đó chính là ý nghĩa ngày lễ Phật Đản cao đẹp và thiêng liêng.
III.       Ý nghĩa lễ tắm Phật
Trong ngày Lễ Phật đản, một trong những nghi thức kỷ niệm mà các chùa đều tổ chức là lễ Tắm Phật. Làm lễ Tắm Phật, Tăng Ni Phật tử thường đọc bài chú Tắm Phật như sau:
Ngã kim quán mộc chư Như Lai 
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ 
Ngũ trược chúng sanh tịnh ly cấu 
Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp thân 
Tỳ Gia thành lý vị tằng sanh 
Sa La thọ gian vị tằng diệt 
Bất sanh bất diệt lão Cồ Đàm 
Nhãn trung khán kiến trùng thiên tiết 
Kim triêu chính thị tứ ngoạt bát 
Tịnh Phạn vương cung sanh Tất Đạt 
Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai 
Bỗng túc Liên Hoa tùng địa phát 
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát phạ ha.
Bốn câu đầu của bài kệ có nghĩa là chúng ta tắm gội các Đức Như Lai để làm cho thân tâm của chính chúng ta được trong sạch và nhờ đó mới tích tụ được công đức. Tại sao tắm Đức Như Lai mà lại làm cho chúng ta được trong sạch? Đó là ý quan trọng mà tinh thần Đại thừa muốn khai mở. Thật vậy, dưới kiến giải của Đại thừa, Như Lai không phải là bức tượng gỗ trên bàn thờ, vì thế chúng ta không tắm tượng Như Lai ấy; hay nói đúng hơn, chúng ta nương theo hình thức tắm tượng Như Lai để nhắm đến mục tiêu quan trọng hơn, đó là gội rửa chính bản thân chúng ta cho thanh tịnh.
Theo truyền thuyết, ngay khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh, có hai vị Long vương đến phun hai dòng nước tắm cho Thái tử. Một vị phun dòng nước lạnh và một vị phun dòng nước nóng.Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hằng ngày, mà tất cả mọi người sinh ra trên thế gian này phải chịu đựng. Thái tử Tất Đạt Đa đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh và nóng đó, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca.Trong kinh sách, Đức Phật dạy rằng: người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, thì người đó là một vị Phật trong tương lai. Đây là ý nghĩa hết sức thâm trầm vi diệu của đạo Phật.
Tại Việt Nam, lễ Phật đản là lễ hội lớn nhất của tín đồ phật tử trong năm, vào những ngày này, các tự viện thường tổ chức các sự kiện lớn kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật, ôn lại truyền thống lịch sử của Đức Phật cũng như nhắc nhở chúng sinh về đại hạnh xuất gia cứu cánh của đức Bổn sư Như lai. Đặc biệt, trong dịp này, các tự viện thường tổ chức lễ tắm Phật. Xuất phát từ sự tích khi Đức Phật đản sinh có chín con rồng xuống phun mưa tắm cho Ngài. Sự gột rửa đó vừa là để xóa đi những ô trọc trên cơ thể đồng thời còn truyền tải một thông điệp về việc tẩy trừ mọi phiền não, sân si đang vướng bận trong lòng để hướng về sự thanh tịnh tinh khiết trong mỗi con người.Ý thức như vậy, là để bước theo dấu chân Phật, chúng ta phải tẩy rửa bụi bặm trần lao, trong sạch hóa thân tâm, từ đó phát triển công đức đầy đủ để chứng được thân chân thật giống như Đức Như Lai, gọi là Pháp thân.
Đạo Phật trực chỉ nhân tâm, lấy con người làm gốc, lấy sức mạnh của con người, đó làbộ óc - tức trí tuệ của con người để giải quyết những vấn đề của con người.Hạnh phúc do con người kiến tạo. Khổ đau do con người tự gây ra cho nhau và cho chính mình. Khi dùng trí tuệ làm nền tảng thì ai cũng như ai, mọi người đều bình đẳng vì ai cũng đều có trí tuệ, ai cũng có Phật tính.Khi dùng Thần Linh làm nền tảng thì con người trở thành tôi tớ cho Thần Linh. Tầng lớp trung gian với Thần Linh sẽ trở thành Thánh và có quyền sinh sát, có quyền quyết định vận mệnh của con người bởi vì chỉ có tầng lớp trung gian này mới có khả năng tiếp cận hoặc là đại diện chân chính của Thần Linh mà thôi.
Lễ Tắm Phật đã thấm sâu vào sinh hoạt tín ngưỡng của nhân gian, nhưng nhiều người chưa hiểu được yếu nghĩa của bài kệ trên. Tuy nhiên, với tinh thần kính trọng Phật cao độ, nên thực tế chúng ta thấy sau buổi lễ Tắm Phật, nhiều người thường chia nhau nước tắm Phật để uống, hoặc đổ nước lên người khác. Tục lệ này ngày nay còn được người Thái Lan tôn trọng qua lễ hội tạt nước vô người khác như lời cầu mong cho mọi người gội sạch được bụi bặm phiền não của cuộc đời, thân tâm được mát mẻ, an vui.Trên đời này, cảnh khổ quá nhiều: sanh,lão,bệnh,tử là khổ, cầu mong không được, thương yêu phải chịu chia lìa, thù ghét gặp nhau, thân thể ốm đau, tâm loạn động bất an cũng đều khổ. Còn hưởng thụ các lạc thú trên đời cũng không ít việc đưa đến phiền não khổ đau sau đóhững cảnh thuận nghịch của cuộc đời được gọi là: bát phong. (Bát là tám, phong là ngọn gió). Bát phong chia làm bốn cặp, mỗi cặp gồm hai cảnh giới thuận nghịch, đó là: lợi lộc và suy sụp, hủy báng và danh dự, xưng tán và chỉ trích, khốn khổ và lạc thú.Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sinh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.  Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm Phật đản sinh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người.
Trong lúc tắm Phật, mỗi người cần lắng lòng thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.Chúng ta cần hiểu rõ thêm đạo lý sinh diệt trong Phật giáo: Sinh là biểu hiện, diệt là ẩn tàng. Vậy sự ẩn tàng của giai đoạn này là sự biểu hiện của giai đoạn kế tiếp. Như vậy sinh diệt tiếp nối tương tục, sinh chính là diệt, diệt chính là sinh. Do đó, sinh không thật sinh, diệt không thật diệt. Vì sinh không thật sinh nên gọi là bất sinh, diệt không thật diệt nên gọi là bất diệt. ở góc độ đạo lý sinh diệt thì sự đản sinh, diệt độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử cũng là bất sinh bất diệt. Qua cái nhìn pháp thân thường trú, bất sinh bất diệt thì thân Phật là từ thể tánh chân như thanh tịnh mà dẫn ra, từ bản nguyện độ sinh mà thị hiện nên không có thời kỳ kết thúc. Nếu dùng con mắt phàm phu nhìn pháp thân mà thấy có sinh diệt, thì cái thấy đó chỉ là cái thấy điên đảo, có thêm có bớt, có sinh có diệt. “nhãn trung thiêm tiếttrong tròng con mắt bị bụi nhặm”. Đức Phật vẫn hiện hữu thường trú, nhưng vì chúng sinh mê lầm nên không thấy đó thôi. Đại thừa Trang Nghiêm Kinh Luận chép: “Chậu nước bị bể nên ánh trăng không hiện được, như vậy lỗi ở chúng sinh vì mê chấp, nên không thấy đức Phật luôn có mặt ở cõi đời.”Người con Phật với lòng tôn kính Tam Bảo, trên nền tảng của chánh kiến, mỗi khi thắp một nén hương, dâng một cành hoa lên đức Phật, hay rưới những gáo nước thơm tinh khiết lên tôn tượng Như Lai, với một tâm niệm nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có khả năng tùy thuận thích ứng với mọi duyên thuận, nghịch, chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ. Phải chăng trong giây phút cảm ứng mầu nhiệm, ta cũng thấy được mình đang tắm gội đức Phật của chính mình. Đúng như câu châm ngôn: “Trang nghiêm tự thân chính là trang nghiêm Giáo hội”.
IV.        Toàn bộ bức tranh sống động cuộc đời Đức Phật
Toàn bộ lịch sử của đức Phật Thích Ca từ ngày đản sinh, đến thành đạo và nhập Niết bàn, cũng như toàn bộ giáo lý của Phật giáo, không phân biệt tông phái, nêu lên những điểm quan trọng như sau: 
1).Mọi người trên thế gian đều có thể trở thành một vị Phật, một bậc sáng suốt giác ngộ, không phân biệt nam nữ, xuất xứ, đẳng cấp, trẻ già, thời đại, đã có gia đình hay chưa, nếu người đó biết tu tập theo đúng chính pháp, theo đúng bản đồ tu học. Ðây là ưu điểm nổi bậc của đạo Phật.
2).Ðức Phật không phải là vị thần linh hay thượng đế tưởng tượng chuyên ban phước ra ơn hay giáng họa trừng phạt. Cho nên những ai cúng kiến, tin tưởng, thờ lạy đức Phật theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực, dù ở chùa hay ở nhà, đều không đạt được những ước muốn như ý. Trái lại, những người sống đúng theo tinh thần những lời dạy của đức Phật, dù tại gia hay xuất gia, dù có thờ lạy đức Phật hay không, cũng đều được an lạc và hạnh phúc hiện thời, giác ngộ và giải thoát mai sau. 
3)Từ trước thời đức Phật xuất hiện trên thế gian này, cuộc đời vẫn thường đầy dẫy những sự đau khổ, bất trắc, đấu tranh, lừa đảo, chứ không phải chỉ có thời hiện tại mà thôi. Do đó, giáo lý của đạo Phật thường được ví như chiếc thuyền, gọi là thuyền bát nhã, giúp đỡ con người vượt qua bể khổ, sông mê, lướt qua bát phong của cuộc đời, đến bến bờ giác ngộ và giải thoát. Ðây mới chính là cốt tủy của đạo Phật. 
Trước hết là phải hiểu rõ những điểm căn bản của Phật dạy, thứ đến là phát lòng chánh tín Tam Bảo, cuối cùng là thực hành năm điều (5 giới) răn dạy trong đời sống hằng ngày của mình. Phật dạy:“Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành” nghĩa là đều có khả năng thành Phật. Vậy nếu tin và thực hành đúng lời Phật dạy, nhất định sẽ hết mê được ngộ, hết khổ được vui.Sau khi thành Phật, Ngài thuyết pháp khắp xứ Ấn Độ, cứu độ vô lượng chúng sinh thoát ly đau khổ, 80 tuổi nhập diệt tại rừng Sa La Long Thọ trong lãnh thổ nước Câu Thi Na. Giáo lý Ngài dạy như thế nào thì đời Ngài thực hành y như thế.Đức Phật là một đấng giác ngộ toàn năng, với trí tuệ siêu việt và tấm lòng từ bi rộng lớn, là một hình ảnh của sự hòa bình và tuyệt hảo trong cuộc sống. Cuộc đời của Đức Phật là bài học để chúng ta phải học tập và noi theo.
Đạo Phật tồn tại hơn 2000 năm chính là lời dạy sâu sắc của Đức Phật là chân lý,nên thời gian và không gian không thay đổi được. Nhiều người hiểu đạo sẽ tôn kính Ngài không phải Ngài là đấng thần linh, nhiều phép mầu hay có quyền lực mà sự tôn kính xuất phát từ con người nhân từ, toàn diện của Đức Phật. Sự thị hiện của Đức Phật, đầu tiên chúng ta muốn nói đến đó chính là lòng từ bi của Ngài, vì thương tưởng đến chúng sinh trầm luân trong sinh tử, khổ não trong cuộc sống lầm than. Cho nên trong kinh Pháp Hoa nói rằngĐức Phật ra đời vì một nhân duyên lớn khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến.Cho nên bản hoài của Phật xuất thế là cốt dạy chúng sinh diệt bỏ mê lầm, giác ngộ chân lý, và đem niềm an vui đến cho mọi loài. Ngài không quan tâm đến sự khoái lạc huy hoàng của một đế vương, không dừng chân trong rừng khổ hạnh, cũng không thỏa mãn với những cõi trời Tứ thiền, Tứ không mà các hàng ngoại đạo đều cho là nơi rốt ráo cuối cùng của đạo họ. Bao nhiêu nỗi vui đẹp ở những chỗ ấy đối với Ngài đều là cái vui trá hình, chưa phải là dứt hẳn được mê lầm, giải thoát ngoài vòng luân hồi sinh tử.
Mục đích của người theo đạo Phật là sự giải thoát, cho nên Phật tử không được chú trọng việc cầu tài, cầu phúc, cầu quả báo tốt đẹp ở nhân thiên. Mà cần phải phát tâm hướng mạnh về giải thoát, thì sự tu hành mới càng lâu càng bền, càng khó càng dai và có ngày mới đạt được mục đích cuối cùng như chư Phật. Chính đạo Phật là đuốc sáng dẫn ta ra khỏi biển mê nầy. Đạo Phật dạy ta tu, tu để con người ta được tốt hơn,tu để được sống trong an vui hạnh phúc, tu để lòng không vướng bận và tâm hồn luôn được thanh tịnh hơn. Tu trong đạo Phật là bắt đầu điều chỉnh và sửa chữa cái nhìn biên kiến của ta. Tức là tập bỏ cái nhìn chủ quan mà hãy nhìn vào chân sự thật. Tu là sống làm sao như hoa sen, mọc lên trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Con người cũng vậy, tu làm sao mà sống trong một xã hội đầy thị phi, tranh chấp, hận thù mà mình không thị phi, không tranh chấp, không hận thù. Tu để ta đừng nghĩ rằng danh vọng, quyền uy và tiền bạc là chân hạnh phúc, mà chúng ta cần phải suy nghĩ chúng chỉ là những thứ ngoại thân. Tu để thấy rằng hạnh phúc nó ở chính ta, nó ở ngay trong tâm ta, ta chính là hạnh phúc. Càng đi tìm những hạnh phúc giả tạo bên ngoài bao nhiêu thì mình càng xa mình, tức là xa cái hạnh phúc thật bấy nhiêu.Trong cuộc sống hằng ngày không ai mà không trải qua những tham, sân, si, hỉ, nộ, aí, ố... đến những thất bại, những đau khổ chán chường của cuộc đời. Vấn đề ở đây là ta có biết học hỏi ngay từ những thất bại của mình, những dại dột của mình để được trưởng thành hay không thôi. Và luôn nhớ rằng tất cả những gì mà ta đã kinh qua trong cuộc sống, dù thành công hay thất bại, đều là những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của ta.
V.          Kết luận
Đức Phật đã dạy Tất cả sự vật đều là vô thường,” tất cả những cái đẹp trên thế gian nầy đều cùng chung một số phận mong manh, vô thường, không tồn tại mãi. Tất cả các pháp (mọi sự việc) trên đời nầy đều hàm chứa một ý nghĩa của cuộc sống và sự chết. Nghĩa là chúng dạy cho ta những chân lý, có điều là chúng ta có biết vén màn lên để thấu hiểu được chân lý đó không thôi. Thí dụ nhìn một cây nến đang cháy dở, người biết chiêm nghiệm sẽ nghĩ là cây nến đang tự diệt trong sự sống của nó, để biết rằng cuộc sống của chúng ta cũng vậy.Đức Phật dạy rằng: Ta cần phải có ý chí và sức mạnh lắm ta mới có thể diệt được tham sân si, vì tu là đi ngược lại dòng đời, giống như lúc ta bơi ngược dòng nước vậy. Nếu ta không có sức mạnh thì nước sẽ cuốn và bắt ta phải xuôi dòng.” Tu cũng vậy, phải có ý chí mạnh mới chống lại được lửa dục tham sân si.Đạo Phật dạy cho chúng ta hãy thực hành cái từ bi hỉ xảtrong cuộc sống hằng ngày.Phật vì thương sót chúng sinh mà truyền dạy những lời vàng ngọc có thể phá tan bức màn vô minh và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy chúng ta nghe qua một lần không làm sao thấu đáo, nên phải trì tụng mãi để cho lý nghĩa ấy thấm sâu vào thân tâm chúng ta. 
Tóm lại, dùng trí tuệ quán được cái vô ngã tức là chúng ta cầm đuốc soi cho biết rõ ấy chỉ là sợi dây chứ đâu có gì mà sợ. Như vậy cái chủ thuyết phá ngã” của đạo Phật làm sáng tỏ sự thật, nó phá tan cái sai lầm truyền kiếp của chúng sinh. Bao nhiêu nỗi đau khổ đều do sự lầm mê mà ra, chúng ta phải sáng suốt dùng trí tuệ quán sát kỹ càng để vén bức màn đen tối từ vô thỉ. Một khi mê mờ đã bị trí huệ diệt sạch thì những khổ đau sẽ không thể tiếp diễn nữa.Trước khi dứt lời, cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho tất cả quý vị sống một cuộc đời luôn luôn có Phật Đản Sinh.

Tài liệu tham khảo
1.   Doãn Chính-Lương Minh Cừ, Lịch sử triết học ẤnĐộ cổ đại. Nxb Đại học và 
Giáo dục chuyên nghiệp, Hà nội.1991.
2.   Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí 
Minh ấn hành. PL: 2533-1989.
3.   Thích Thiện Hòa, Phật học phổ thông, quyển I. Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí 
Minh ấn hành.1989.
4.   Cao Hữu Đính, Phật và Thánh chúng. Viện cao đẳng Phật học Trung phần xuất 
bản. Nha trang. 1973.
5.   Chan Khoon San. Biên dịch: Lê kim Kha, Giáo trình Phật học. Nxb Phương Đông. 
2011.
6.   Quảng Tánh, Lời Phật dạy I,II,III trong kinh tạng NIKAYA,Nxb Hồng Đức. 2016
7.   Khuyến phát bồ đề tâm văn, đại sư Thật Hiền, H.T Trí Quang dịch




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner